Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

“Hụt hơi” với condotel

Mới đây, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại Dự án Bavico International Hotel Nha Trang đã gửi đơn tố cáo Công ty Bạch Việt với lý do chủ đầu tư vi phạm cam kết phân chia lợi nhuận với khách hàng.

Khách hàng chịu thiệt

Ban đầu, Công ty Bạch Việt cam kết sẽ chia lợi nhuận cho khách hàng 15% trên giá trị căn hộ trong 12 tháng đầu tiên. Từ tháng 13 trở đi, chủ căn hộ được hưởng lợi nhuận ít nhất bằng 15% giá trị căn hộ/năm. Tuy nhiên, đến nay khi dự án đưa vào khai thác hơn 1 năm, chủ đầu tư không trả bất cứ khoản tiền nào cho khách hàng.

Lý do ông Đinh Tiến Sử - Giám đốc Công ty Bạch Việt đưa ra là số sản phẩm condotel đưa ra thị trường tăng quá nhanh trong thời gian gần đây trong khi lượng khách thuê không thể tăng vô hạn khiến doanh nghiệp hụt hơi chạy theo lợi nhuận đã cam kết với khách hàng.

Để tìm tiếng nói chung, ông Sử đề nghị khách hàng giảm gần một nửa số tiền lợi nhuận kinh doanh condotelnhư đã cam kết. Với số lợi nhuận này, Công ty Bạch Việt cũng xin khất thời hạn trả nợ cho đến khi nào khách sạn Bavico được các các cơ quan chức năng cho hoạt động kinh doanh trở lại.

Một DN trên địa bàn Đà Nẵng tiết lộ với DĐDN, thị trường bất động sản du lịch mang tính chất dễ biến động và có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời tiết, kinh tế, chính trị.

Vị này dẫn chứng, vào thời điểm 2014 - 2015, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh do số lượng du khách Trung Quốc và Nga giảm sâu ảnh hưởng từ việc tranh chấp biển Đông và đồng Rúp mất giá. Đặc biệt là đối với các thị trường phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn khách từ thị trường này như Nha Trang, Đà Nẵng. "Đâu đâu cũng thấy các khách sạn, nhà hàng trống trơn khách. Mà điều này thì ảnh hưởng cực lớn đến các doanh nghiệp dịch vụ" – DN này cho biết.

Ông Nguyễn Hoạt - Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, thời gian qua nhiều chủ đầu tư đã cố tình không nói cho người mua biết những hạn chế trong việc quản lý, sử dụng căn hộ condotel. Bởi với dự án bất động sản dịch vụ du lịch, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, vận hành hoặc giao một doanh nghiệp có đủ năng lực để quản lý, vận hành. Tức là, người mua căn hộ du lịch không được phép tự ý ra vào căn hộ đó, mà phải check in, check out như khách sạn. Đây là điều cực kỳ bất tiện, và khi mua bán thường các chủ căn hộ không được biết.

Chưa kể, ông Rudolf Hever – Giám đốc bộ phận Tư vấn Khách sạn, Savills Châu Á-Thái Bình Dương giải thích thêm, để tạo nguồn doanh thu chi trả cho cam kết với khách hàng condotel phải được vận hành hoàn toàn như như khách sạn và đạt kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng. "Tuy nhiên phần "tel" (khách sạn) trong mô hình condotel rất ít được chú trọng do vậy rất khó có thể đảm bảo phần lợi nhuận đã cam kết" với khách hàng" - ông Rudolf Hever cho biết.

Bước đi thiếu thận trọng

Mới đây, đại diện Savills Việt Nam đã đưa ra một số so sánh đáng chú ý. Theo đó, Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ cam kết lợi nhuận từ bất động sản nghỉ dưỡng so với một số khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á như Phuket (Thái Lan) ở mức 7% trong 3 - 5 năm và Bali cũng 7% trong 2 - 3 năm.

Trao đổi với DĐDN, một doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng trên địa bàn Nha Trang cho rằng, đưa ra mức cam kết lợi nhuận để bán hàng đang là bước đi thiếu thận trọng của chủ đầu tư. Bởi thực chất các cam kết hiện nay trên thị trường đều được chủ đầu tư áp dụng vào giá bán nên giá bán cực kỳ cao. Khi giá bán cao buộc giá thuê căn hộ cũng phải cao nên khó cho thuê, lợi nhuận thấp đi vì khó kiếm khách hàng. Do vậy việc không đủ mức lợi nhuận như cam kết ban đầu là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Ở góc độ luật pháp, PGS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề nghị cần luật hóa các hoạt động bảo lãnh cam kết lợi nhuận ở phân khúc condotel, tiến tới bổ sung vào Luật Kinh doanh BĐS 2015 để điều chỉnh hành vi kinh doanh của các bên. "Chứ không thể để rủi ro chỉ nghiêng về phía khách hàng như hiện nay" – ông Chung khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, vị doanh nghiệp trên địa bàn Nha Trang cũng chỉ rõ, phát sinh mâu thuẫn phần lớn là do sự không minh bạch và tin tưởng nhau giữa chủ đầu tư và chủ căn hộ. Thay vì đưa ra cam kết lợi nhuận, các doanh nghiệp hãy mời kiểm toán uy tín trên thế giới - tức bên thứ 3 vào cuộc hoạch toán độc lập thu chi, phân chia lợi nhuận rõ ràng qua từng năm. Chủ đầu tư muốn bắt tay với kiểm toán để làm khống số liệu cũng khó vì chẳng dại gì họ đánh đổi uy tín với một công ty nhỏ. Còn khách hàng vẫn có quyền tự cho thuê căn hộ của mình.

"Trước mắt khách hàng sẽ dè chừng nhưng không sớm thì muộn họ sẽ hiểu sự minh bạch thông tin quan trọng hơn nhiều so với cam kết lợi nhuận, nhất là để đi lâu dài trên thị trường bất động sản" – vị doanh nghiệp này khẳng định.

Với nguồn cung lớn, để thu hút khách hàng, chủ đầu tư các dự án condotel (căn hộ - khách sạn) chạy đua cam kết lợi nhuận khủng. Thế nhưng, những cam kết này dường như... Hụt hơi.

Đầu tư ồ ạt, condotel sẽ "khó sống" trong năm 2018

Lưu Vân

    Tin liên quan

  • 3 yếu tố buộc phải biết khi lựa chọn đầu tư condotel
  • Golden Square Đà Nẵng có hồi sinh?
  • Shophouse có dấu hiệu biến tướng thành nhà ở thông thường (Kỳ I)
  • Số lượng người tìm kiếm condotel tăng 50% so với năm 2016
  • Đầu tư ồ ạt, condotel sẽ "khó sống" trong năm 2018
  • "Giải cứu" condotel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dân chung cư nhận 80 tỷ quỹ bảo trì sau 7 năm sử dụng

Sáng 4/10, chủ đầu tư dự án cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng dịch vụ tại lô đất N05 (gọi tắt là dự án cụm chung cư N05), phường ...